Các nguyên tắc cơ bản để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt thai kỳ
Điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng – ngay cả khi bạn đã ăn uống hợp lý
Hầu như tất cả phụ nữ mang thai đều cần bổ sung thêm nhiều protein, một số loại vitamin và khoáng chất nhất định (như folic acid và sắt), cũng như nhiều calo hơn để tạo năng lượng. Nếu vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu trên, bạn nên cải thiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày bằng cách tập trung vào chất lượng của mỗi bữa ăn nhằm đảm bảo cho sức khỏe của thai nhi.
Tuy nhiên, ăn uống chất lượng hơn không có nghĩa là ăn nhiều hơn. Nếu như đã sở hữu cân nặng lý tưởng khi bắt đầu mang thai thì bạn không cần phải bổ sung calo trong 3 tháng đầu. Sau đó, bạn cần nạp thêm khoảng 340 calo mỗi ngày trong 3 tháng tiếp theo và 450 calo mỗi ngày trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trường hợp bạn bị thừa hay thiếu cân tại thời điểm bắt đầu mang thai, bạn sẽ phải cần ít hoặc nhiều hơn lượng calo nói trên, tùy thuộc vào mục tiêu tăng cân của bạn.
Bỏ qua những thực phẩm không an toàn
Một vài loại thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Phụ nữ mang thai cần tránh xa các loại thức ăn sau:
- Hải sản tươi sống (như hàu hay các loại sushi chưa được nấu chín)
- Sữa chưa tiệt trùng (hoặc phô mai làm từ loại sữa này)
- Phô mai mềm (như Brie hoặc Camembert)
- Phô mai kiểu Mexico (như queso blanco và panela)
- Pate
- Thịt gia súc và gia cầm còn sống hoặc chưa nấu chín
Tất cả những thực phẩm này có thể tiềm ẩn nguồn vi khuẩn không tốt cho thai nhi.
Nói không với rượu
Nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn nên bỏ hẳn thức uống có cồn trong suốt quá trình mang thai, bao gồm rượu bia và các thể loại cocktail. Uống rượu trong khi mang thai có thể gây ra các vấn đề về thể chất và tinh thần, cũng như khả năng học tập ở trẻ.
Hạn chế caffeine
Caffeine cũng là một loại chất cần cân nhắc khi sử dụng. Mỗi ngày bạn chỉ nên tiêu thụ một lượng ít hơn 200mg (khoảng 12 ounce cà phê). Một số nghiên cứu cho rằng lượng caffeine cao có thể dẫn đến các trường hợp sẩy thai hoặc sinh thiếu ký, tuy nhiên điều này vẫn chưa được xác nhận. Để an toàn, bạn nên dùng trà hoặc soda không có chứa caffein, hoặc lựa chọn các loại thức uống lành mạnh hơn, chẳng hạn như sữa tách béo, nước ép trái cây 100%, hay là nước lọc vắt thêm một ít chanh.
Hạn chế ăn cá
Hầu như mọi loại cá đều có chứa methylmercury, một loại thủy ngân được cho là có nguy cơ cao gây hại đến sự phát triển não bộ ở thai nhi và trẻ nhỏ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai chỉ nên tiêu thụ cá ở mức 12 ounce/tuần, tương đương với khoảng 2 phần ăn.
Uống bổ sung vitamin trước khi sinh
Ngay cả khi không có dấu hiệu ốm nghén hay chán ăn, thì chỉ với một chế độ ăn uống cân bằng cũng khó có thể đáp ứng mọi nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất trước khi sinh có thể giúp bạn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và bé.
Bảo đảm rằng vitamin mà bạn lựa chọn có chứa acid folic. (Bạn sẽ cần đến 400mcg mỗi ngày trước khi mang thai và trong suốt giai đoạn đầu của thai kỳ. Một vài tổ chức, chẳng hạn như Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, đề nghị tăng lượng tiêu thụ này lên ít nhất 600mcg.) Không nhận đủ lượng acid folic cần thiết có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh (NTDs), như tật nứt đốt sống.
Trao đổi với bác sĩ hay nhân viên chăm sóc sức khỏe nếu như bạn cần sử dụng thêm các loại thực phẩm bổ sung khác
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng choline là một dưỡng chất quan trọng có thể hỗ trợ ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh (NTDs). Bạn sẽ cần đến 450mg choline mỗi ngày trong suốt giai đoạn mang thai. Đa phần các vitamin trước khi sinh không chứa chất này, vì vậy bạn cần bổ sung thông qua thực phẩm hoặc trao đổi với nhân viên chăm sóc sức khỏe về việc sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa choline.
Ở giai đoạn sau của thai kỳ, các bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thêm thực phẩm bổ sung sắt và canxi để đảm bảo cơ thể bạn có đủ các khoáng chất quan trọng này. Một số chuyên gia cũng khuyến cáo bổ sung vitamin D trong suốt thời gian mang thai.
Nếu bạn là người ăn chay trường và mắc phải các bệnh lý như tiểu đường, tiểu đường thai kỳ, thiếu máu, hoặc đã từng sinh con nhẹ cân, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để có những kế hoạch bổ sung dưỡng chất phù hợp.
Nếu cảm thấy khó khăn khi uống vitamin dạng viên, bạn có thể thay thế bằng các dạng nhai hoặc dạng bột có thể hòa tan với nước. Khi sử dụng các loại thuốc bổ sung dinh dưỡng, bạn luôn phải nằm lòng một nguyên tắc: Số lượng nhiều không phải lúc nào cũng hiệu quả. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất hay thảo dược nào với liều lượng lớn mà không có sự cho phép của bác sĩ – điều này có thể tổn hại đến sự phát triển của con bạn.
Không được ăn kiêng khi mang thai
Ăn kiêng trong thời gian mang thai có thể gây ra những tác hại khôn lường cho cả mẹ và bé. Các chế độ dinh dưỡng được thiết kế nhằm mục đích giảm cân sẽ không chỉ giảm thiểu lượng calo trong cơ thể, mà còn hạn chế khả năng hấp thụ sắt, axit folic và nhiều vitamin, khoáng chất quan trọng khác.
Tăng cân là một trong những biểu hiện cho thấy thai kỳ khỏe mạnh. Phụ nữ mang thai có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và duy trì trạng thái cân nặng hợp lý sẽ có nhiều khả năng sinh con khỏe mạnh hơn. Nếu như bạn đang sử dụng các thực phẩm bổ ích và tăng cân khoa học thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì mọi việc có vẻ đã đi đúng hướng.
Việc tăng cân khi mang thai là cần thiết, nhưng tăng bao nhiêu trọng lượng cho hợp lý cũng là điều cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nên tăng ít nhất từ 1-5 pound, sau đó tăng khoảng 1 pound cho mỗi tuần trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.
(Trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang mang song thai hoặc nếu bạn bị thừa/thiếu cân tại thời điểm bắt đầu mang thai – vì lúc này tỷ lệ và tốc độ tăng cân sẽ có khác biệt cho từng trường hợp cụ thể).
Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ và ăn thường xuyên
Bạn hoàn toàn có thể thay đổi thời gian dùng bữa của mình trong suốt thai kỳ một cách linh hoạt. Nếu như cảm giác buồn nôn, chán ăn hoặc ợ nóng, khó tiêu làm cho bạn không thể nào thưởng thức một bữa ăn hoành tráng và thịnh soạn, hãy thử chia thành nhiều bữa ăn nhỏ hơn và dùng rải rác trong ngày. Dù sao thì khoảng không gian còn lại trong cơ thể bạn lúc này cũng không đủ để tiêu thụ một lượng lớn thức ăn như vậy, bởi vì sự phát triển của thai kỳ có thể tạo ra sự chèn ép lên dạ dày cũng như các cơ quan tiêu hóa khác.
Nếu như bạn đang rất đói mà vẫn chưa đến thời gian dùng bữa chính thức, hãy cứ nuông chiều bản thân. Ăn uống theo một chế độ phù hợp với chính mình sẽ giúp mẹ bầu đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết trong suốt thai kỳ.
(Ăn nhẹ giữa các bữa chính hoàn toàn không có vấn đề gì, tuy nhiên hãy dành sự ưu tiên cho các lựa chọn lành mạnh. Tránh ăn vặt vì chúng thường chỉ cung cấp nhiều calo rỗng, tức là nguồn năng lượng không mang lại dinh dưỡng thực sự.)
Thỉnh thoảng hãy để cho bản thân tận hưởng hương vị ngọt ngào
Thực phẩm đã chế biến hoặc đóng hộp, các loại tráng miệng có đường không nên được ưu tiên trong khẩu phần ăn dành cho phụ nữ mang thai, nhưng không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn từ bỏ sở thích của mình. Bạn có thể thay thế bằng các món ngọt lành mạnh hơn, chẳng hạn như sinh tố chuối, kem trái cây không béo, hoặc là trail mix (dạng snack hỗn hợp có nguyên liệu từ trái cây khô và các loại hạt).
Đừng tự gây áp lực hoặc quá khắt khe với bản thân nếu như bạn thỉnh thoảng rơi vào sự cám dỗ “ngọt ngào” này. Đôi khi đổi khẩu vị với một ít bánh quy hoặc bánh ngọt cũng sẽ không gây ra bất kỳ tổn hại nào.
Nguồn: https://www.babycenter.com/pregnancy-eating-well
Tin liên quan Xem thêm
- 👴👵 Sau tuổi 60 chọn gói khám tổng quát nào phù hợp?
- TÁC DỤNG CỦA TIÊM HYALURONIC ACID VỚI NGƯỜI MẮC BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP
- Điểm mặt 6 vấn đề cơ xương khớp thường gặp nhất ở người Việt Nam
- 👉 Điểm mặt 6 triệu chứng nguy cơ gây Ung thư vòm họng
- BẢNG GIÁ DỊCH VỤ CHI TIẾT
- 🌈 5 “nên” chăm sóc phụ khoa cho phái đẹp vùng lũ
- ♀️ Phụ nữ đến tuổi nào có thể ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung?
- 👙Khi nào phái đẹp nên chụp nhũ ảnh 3D?