Loading...
Thứ tư, Ngày 04/01/2023

CHẨN ĐOÁN SỚM ĐỂ "UNG THƯ KHÔNG PHẢI ÁN TỬ"

Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2020 tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (lên vị trí 90/185 quốc gia), từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc, lên thứ 50/185 quốc gia sau 2 năm. Các loại ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, thực quản, dạ dày, các ung thư đầu- cổ.
CHẨN ĐOÁN SỚM ĐỂ

Nhiều bệnh nhân ung thư cũng tự hỏi: mình đã mắc ung thư từ khi nào, nhưng không có câu trả lời rõ ràng. Sự phát triển âm thầm của các tế bào ung thư là nguyên nhân khiến người bệnh khó nhận thấy sự thay đổi trong cơ thể để tiến hành thăm khám, phát hiện bệnh từ sớm.

Xét nghiệm sàng lọc ung thư giúp phát hiện chẩn đoán ung thư trước khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của bệnh. Việc sàng lọc thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm một số loại ung thư khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn di căn và do đó tỷ lệ điều trị thành công cao nếu phát hiện ung thư sớm.

Xét nghiệm dấu ấn ung thư là phương pháp giúp phát hiện bệnh ung thư, có vai trò quan trọng trong việc tầm soát, điều trị ung thư. 

Dấu ấn ung thư hay chất chỉ điểm khối u (TM) là một dấu ấn sinh học được phát hiện trong máu, nước tiểu và mô, được dùng để đánh giá sự có mặt của một hay nhiều loại ung thư. Có rất nhiều loại chất chỉ điểm khối u khác nhau, mỗi loại đại diện cho một quá trình bệnh lý nhất định và được sử dụng để phát hiện ung thư. Định lượng các dấu ấn ung thư có thể giúp phát hiện ung thư, biết sự hình thành, phát triển hoặc đáp ứng với điều trị của một khối u ác tính. Nhưng các dấu ấn ung thư không chỉ đặc trưng riêng của ung thư, vì tế bào bình thường có thể sản xuất, bài tiết các loại dấu ấn ung thư và cũng có nhiều nguyên nhân khác gây tăng các dấu ấn ung thư (dương tính giả) vì vậy rất cần thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Những xét nghiệm dấu ấn ung thư thường gặp

  1. AFP

  • Giới hạn bình thường:  <7.4 IU/mL
  • AFP thường dùng để chẩn đoán sơ bộ ung thư tế bào gan nguyên phát, chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào mầm. Ngoài ra còn dùng để theo dõi đánh giá quá trình điều trị các bệnh nhân ung thư. Theo dõi cả khả năng tái phát, di căn của ung thư.
  1. CEA

  • Giới hạn bình thường: <5.0 ng/mL
  • Theo dõi hiệu quả điều trị, tiên lượng và đánh giá tái phát ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng đã được chẩn đoán. Ngoài ra, nồng độ CEA cũng tăng trong nhiều loại ung thư khác như phổi, vú, đường tiết niệu, buồng trứng, tuỵ, dạ dày,…
  1. CA 19-9

  • Giới hạn bình thường: <35.0 IU/mL
  • CA 19-9 được sử dụng như một dấu ấn ung thư để:
    + Chẩn đoán phân biệt giữa ung thư tụy và các bệnh lành tính khác, chẳng hạn viêm tụy.
    + Chẩn đoán, theo dõi diễn biến của bệnh, hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát ở bệnh nhân ung thư tụy.
    + Chẩn đoán và theo dõi một số ung thư khác như ung thư đường mật, đại trực tràng và buồng trứng, như một dấu ấn ung thư thứ 2.

Tuy nhiên, CA 19-9 không đủ độ nhạy và độ đặc hiệu để được sử dụng như một phương tiện tầm soát ung thư tụy ở cộng đồng những người không có triệu chứng.

  1. CYFRA 21-1

  • Giới hạn bình thường: <3.3 ng/mL
  • Tác dụng chính của CYFRA 21-1 là tầm soát ung thư phổi. Trong một số trường hợp còn được dùng để chẩn đoán những bệnh phổi lành tính, giữa ung thư phổi tế bào nhỏ và không nhỏ, giữa ung thư phổi nguyên phát và thứ phát.
  • Tiên lượng bệnh.
  • Theo dõi diễn biến của bệnh cũng như hiệu quả trong quá trình điều trị.
  1. CA 15-3

  • Giới hạn bình thường: <31.3 IU/mL
  • CA 15-3 huyết tương tăng trong ung thư vú, có thể tăng trong u vú lành tính, viêm gan, viêm tuỵ.

CA 15-3 là một marker hữu ích để theo dõi tiến trình bệnh ở bệnh nhân ung thư vú di căn. Xét nghiệm này không phù hợp cho việc chẩn đoán vì độ nhạy quá thấp khi ung thư vú chưa có di căn.

  1. CA 12-5

  • Giới hạn bình thường: <35 IU/mL
  • CA 125 huyết tương tăng trong ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung.

CA 125 cũng tăng trong một số tình trạng lành tính như kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng lành tính; các tình trạng liên quan đến viêm như bệnh viêm vùng chậu, viêm phúc mạc, viêm màng tim…

  1. PSA

  • Giới hạn bình thường: <4.0 ng/mL
  • PSA huyết tương tăng trong ung thư tuyến tiền liệt; có thể tăng trong u phì đại, viêm tuyến tiền liệt.

Xét nghiệm PSA trong ung thư tiền liệt tuyến có giá trị định hướng chẩn đoán, giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Theo dõi điều trị tích cực, phát hiện sớm các trường hợp tái phát, giúp kiểm soát sức khỏe hiệu quả, giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh.

  1. CA 72-4

  • Giới hạn bình thường: <8.0 IU/mL
  • CA 72-4 thường được dùng như một gợi ý trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Ngoài ra, CA 72-4 còn được phát hiện ở những bệnh nhân bị ung thư buồng trứng, đại trực tràng, tuyến tụy, vú và một số bệnh lý lành tính khác. 
  1. SCC

  • Giới hạn bình thường: <3.0 ng/mL
  • SCC không phù hợp cho mục đích tầm soát ung thư tế bào vảy vì độ nhạy và độ đặc hiệu thấp. 

Tuy nhiên, SCC có thể được sử dụng để theo dõi tiến trình bệnh và đánh giá đáp ứng điều trị ung thư tế bào vảy (ung thư cổ tử cung, thực quản) nguyên phát và tái phát. SCC huyết tương cũng có thể tăng trong tắc nghẽn phổi, hen.

Tin liên quan Xem thêm